Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012


Nghề bơm vá xe đạp và mối qua hệ giữa tỷ suất lợi nhuận với quy mô lợi nhuận

Một buổi sáng mà tôi đã phải vá tới 2 lần săm xe đạp, vậy là đã có tới 4 miếng vá trên chiếc săm phía sau đó! Trong buổi sáng có phần xui xẻo đó lại khiến tôi vu vơ với những suy nghĩ về mối quan hệ giữa tỷ suất lợi nhuận và quy mô lợi nhuận.
Tỷ suất lợi nhuận được hiểu một cách đơn giản là tỷ lệ đo bằng phần trăm lợi nhuận có được trên tổng vốn (chi phí) bỏ ra, nó cũng có nhiều dạng biến thể khác nhau mang những ý nghĩa phân tích khác nhau như tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản… Tỷ suất lợi nhuận cho biết 1 đồng vốn, 1 đơn vị tài sản bỏ ra thu lại được bao nhiêu đồng lợi nhuận. Một ngành có tỷ suất lợi nhuận càng cao thì càng hấp dẫn và càng đáng để đầu tư. Nhưng đó có phải là tất cả?

Với bốn lần vá săm, tôi đã phải trả các mức giá khác nhau: 10 nghìn đồng, 8 nghìn đồng và miếng vá rẻ nhất giá 5 nghìn đồng. Thử liệt kê chi phí cho một miếng vá như vậy: “tài sản cố định” đáng giá nhất có lẽ là chiếc máy bơm hơi, các dụng cụ móc lốp khá đơn giản và thời gian khấu hao là “vĩnh viễn”, chi phí vật liệu duy nhất là miếng vá cao su, chi phí thuê lao động bằng 0, chi phí học nghề!. Tại mức giá thấp nhất – 5 nghìn đồng, có lẽ lợi nhuận đơn vị cho một miếng vá có lẽ cũng tới 2-3 nghìn đồng, tương đương với tỷ suất lợi nhuận đạt 66,67% tới 150% (với mức giá trả 10 nghìn cho một miếng vá thì tỷ suất lợi nhuận là 400%!). Thực ra bạn cũng có được những tỷ lệ “hấp dẫn” như thế này ở một số nghề khá phổ biến như trà đá, bán sim thẻ điện thoại, ghi sổ số, sửa xe máy ở "Hà Lội"… So với top 3 ngành có tỷ suất lợi nhuận cao nhất Việt Nam (được thống kê một cách chính thức năm 2011 gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và chế biến thủy sản đạt trên 20%) thì đó quả là những lĩnh vực rất đáng để kinh doanh!

Tất nhiên tới đây chúng ta đều đã nhận ra chủ định của bài viết này. Rõ ràng tỷ  suất lợi nhuận cao chưa đủ để khẳng định tính hấp dẫn của một ngành nghề nào đó. Một chiếc áo, một chiếc xe, một ngôi nhà hay nhỏ nhắn hơn như một con ốc, một đoạn dây đồng không phải là sản phẩm đem lại tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng nó tạo ra lợi nhuận lớn bằng việc có được giá trị lao đông thặng dư lớn và quy mô lợi nhuận lớn. Tỷ suất lợi nhuận và quy mô lợi nhuận phải được xem xét một cách đầy đủ và được so sánh giữa các chủ thể có mối tương quan về quy mô, ngành nghề hoạt động cụ thể.

Ngày nay có những ngành nghề như điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông…đang trở lên “hot” khi có được cả tỷ suất lợi nhuận cao và quy mô lợi nhuận lớn. Với sự phát triển và ứng dụng rộng rãi của công nghệ thông tin, ngày càng nhiều ngành sẽ gặt hái được thành công khi vừa có được tỷ suất lợi nhuận lớn, vừa có quy mô lợi nhuận lớn.

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012


TẠI SAO VÀ QUẢN LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Bài viết này bàn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thịt gia súc, gia cầm - một vấn nạn đang rất đáng báo động và ảnh hưởng sâu sắc tới chất lượng đời sống của người dân. Bài viết đưa ra những luận điểm để giải thích tại sao các thương lái, nông dân chăn thả gia súc gia cầm lại làm những điều tệ hại như vậy? Và cơ quan quản lý Nhà nước chuyên môn cần quản lý như thế nào để đẩy lui vấn nạn này.


Nếu chỉ nhìn thoáng qua thì có thể khẳng định rằng đó là vấn đề lợi ích, việc sử dụng thịt gia cầm ôi thiu không rõ nguồn gốc với giá rẻ mạt, việc nuôi thúc gia cầm gia súc bằng thức ăn tăng trọng vượt quá liều lượng và phẩm chất cho phép rồi đến cả việc dùng hóa chất độc hại để tẩy màu, tạo màu cho thịt gia súc gia cầm, tất cả chỉ vì ham muốn tiền của. Đó có phải là nguyên nhân sâu sa?

Nhìn từ khía cạnh nhu cầu tiêu dùng:

Khi các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự tạo ra hiệu quả đáng kể thì các đô thị lớn vẫn trở thành điểm di cư đến của đông đảo nông dân lao động và nhiều tầng lớp khác (sinh viên, giới công chức). Đây là thực tế chung ở các nước đang phát triển. Điều này trước hết tạo ra một số lượng cầu lớn về hàng hóa, trong đó có hàng hóa thịt gia cầm gia súc. Hơn nữa, chi phí sinh hoạt ở thành phố và các đô thị lớn là đắt đỏ, thêm tâm lý dành dụm tiền lao động gửi về quê nhà, khiến rất nhiều người đặc biệt là dân lao động, sinh viên và công chức, nhân viên có mức lương trung bình quan tâm nhiều tới giá cả khi mua thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày.

Người tiêu dùng ở đây còn phải nhắc đến một số lượng đông đảo chủ các cửa hàng, quán ăn sử dụng tới thịt gia cầm gia súc. Trong các thành phố, đô thị lớn tấp nập thì các quán ăn, nhà hàng vẫn là những điểm ăn uống thường xuyên của nhiều người dân. Mặc dù không phải là người tiêu dùng cuối cùng nhưng họ cũng chịu những tác động như chi phí sinh hoạt cao, chi phí thuê mặt bằng cao và tâm lý tiểu thương chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt. Việc thiếu đạo đức trong kinh doanh khiến họ không mấy quan tâm tới những ảnh hưởng tiêu cực mà người tiêu dùng phải gánh chịu. Đối với họ thịt gia cầm gia súc giá rẻ vẫn là lựa chọn hàng đầu. Tất cả vô hình chung tạo ra cơ hội cho lối suy nghĩ: Hàng rẻ - chất lượng thấp, không màng tới sac khỏe người tiêu dùng.

Nhìn từ phía cung – hàng hóa từ người chăn thả gia súc gia cầm, người thương lái:

Thứ nhất là việc sử dụng thức ăn tăng trọng quá mức, chất độc hại có trong thức ăn gia súc nhằm tạo nhanh ra hàng hóa thịt có “chất lượng” (những chất tạo nạc, thúc căng mông ở lợn). Đặt ra câu hỏi tại sao họ lại làm như vậy? Ngoài lý do về ham muốn lợi ích như trên thì đâu là bản chất vấn đề? Nó có lẽ liên quan tới vấn đề đạo đức trong lao động. Người nông dân chăn nuôi gia súc gia cầm chạy đua với nhau, chạy đua với xã hội đầy bon chen với những toan tính về lợi ích, hơn thua. Họ không quan tâm tới người sử dụng hàng hóa của mình là ai, họ được lợi gì hay hại gì, lợi ích trước mắt từ những đợt xuất bán gia súc gia cầm khiến họ có tâm lý muốn bán nhanh, kiếm lời nhiều. Đó là hậu quả của tâm lý tiểu thương và sói mòn về đạo đức kinh doanh trong một thị trường hàng hóa thiếu lành mạnh.
Thứ hai về phía những người thương lái: Khi hình thức chợ và các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống vẫn là kênh mua bán thực phẩm chính, thì thực tế cho thấy phần lớn thịt gia cầm gia súc được tiêu thụ qua các cửa hàng tiểu thương nhỏ. Một dãy chợ, một khu chợ có thể lên tới hàng chục của hàng thịt khác nhau. Đó vẫn là kênh tiêu thụ thịt lớn nhất, nhưng trong nó cũng ẩn chứa rất nhiều những toan tính về mặt lợi ích, mua rẻ bán đắt, mua ôi bán tươi mà bất chấp sac khỏe người tiêu dùng. Còn lý do nào khác nữa? Thực sự là quá khó để quản lý, cũng như việc đổ lỗi hoàn toàn cho quản lý, khi mà có quá nhiều cửa hàng hoạt động theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún như vậy. Người bán thì chỉ biết đến đồng lãi trước mắt nên cứ rẻ là mua vào, bán nay không hết thì mai lại bán, thôi đổi màu thì tẩy màu…lại thêm tâm lý “người khác làm được thì mình cũng làm được” rồi kiểu “có thấy ai kêu ca gì đâu”. Mục đích ích kỷ là như vậy nhưng cũng phải thấu hiểu cho họ khi mà chi phí cho cuộc sống nơi thành thị vốn đã quá đắt đỏ, mọi thứ lo toan trong gia đình cũng từ sạp hàng mà ra cả.

Nhìn từ khía cạnh quản lý nhà nước:

Đây quả thực mới là vấn đề đáng lo ngại. Người chăn nuôi lấy đâu ra thức ăn tăng trọng, chất tạo nạc? Sao thịt ôi, bẩn vẫn có thể đi xuyên cửa khẩu vào tới tận trung tâm thành phố? Các thương lái sao được phép tùy tiện dùng hóa chất độc hại vào thực phẩm như vậy? Rồi vấn đề về báo chí, truyền thông, có nên vơ đũa cả nắm không khi cứ chỉ trích chung chung rồi ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của cả triệu gia đình như vậy? Thậm chí có những bài viết còn “chu đáo” tới mức chỉ rõ chỗ mua hóa chất, tên hóa chất, cách dùng hóa chất vào thực phẩm, nên hay không?
Còn quá nhiều lỏng lẻo về vấn đề quản lý. Một câu hỏi nữa cần đặt ra là: Các cán bộ, cơ quan quản lý có đang nhận thức đầy đủ về tác hại và ảnh hưởng của lối kinh doanh chỉ biết cái lợi trước mắt mà đánh đổi sức khỏe cả cộng đồng hay không? Điều này không hề nói quá, bởi thịt gia súc gia cầm vẫn là thực phẩm quan trọng và thường xuyên trong bữa ăn mỗi gia đình. Một khi đã nhận thức được đầy đủ nguy cơ đó thì mới có thể có những giải pháp đúng đắn điều chỉnh các hành vi kinh doanh không lành mạnh đó được.


Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012


Tản mạn Tư tưởng HCM

5 HÌNH THÁI KINH TẾ XÃ HỘI

Tôi coi sự phát triển của các hình thái kinh tế-xã hội là 
một quá trình lịch sử-tự nhiên
 - C.Mác - 

Hình thái kinh tế xã hội là một hệ thống, trong đó, các mặt của hình thái kinh tế xã hội tác động qua lại với nhau tạo nên quy luật vận động, phát triển khách quan của xã hội. Chính sự tác động của các quy luật khách quan đó mà hình thái kinh tế xã hội tuy là một phạm trù xã hội nhưng lại có quy luật phát triển như một quy luật tự nhiên, nó vận động phát triển từ thấp đến cao. Nguồn gốc sâu sa của việc phát triển và thay thế các hình thái kinh tế xã hội nằm ở chỗ:
       ● Sự phát triển của lực lượng sản xuất gây lên sự thay đổi về quan hệ sản xuất.
       ● Sự thay đổi về quan hệ sản xuất (với tư cách là cơ sở hạ tầng) đến lượt nó sẽ làm cho kiến trúc thượng tầng (là hệ thống các hình thái ý thức xã hội cùng với các thiết chế chính trị - xã hội tương ứng, được hình thành trên một sơ sở hạ tầng nhất định) thay đổi.
Theo chủ nghĩa Mác – Lenin, trong lịch sử loài người đã và sẽ tuần tự xuất hiện 5 hình thái kinh tế xã hội từ thấp đến cao:
Hình thái KTXH cộng sản nguyên thủy (công xã nguyên thủy)
Hình thái KTXH chiếm hữu nô lệ
Hình thái KTXH phong kiến
Hình thái KTXH tư bản chủ nghĩa
Hình thái KTXH cộng sản chủ nghĩa

1/ Hình thái KTXH cộng sản nguyên thủy


 Đây là hình thái KTXH đầu tiên và sơ khai nhất trong lịch sử loài người. Một số đặc trưng nổi bật của hình thái này là:
Tư liệu lao động thô sơ, chủ yếu sử dụng đồ đá, thân cây làm công cụ lao động
Cơ sở kinh tế là sự sở hữu chung về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động
Là xã hội chưa có giai cấp, Nhà nước và pháp luật
Quan hệ sản xuất là quan hệ bình đẳng, cùng làm cùng hưởng thụ.

2/ Hình thái KTXH chiếm hữu nô lệ


Khi chế độ thị tộc tồn tại trong công xã nguyên thủy tan rã và hình thành nên xã hội có Nhà nước, và cuộc cách mạng xã hội đầu tiên trong lịch sử loài người đã hình thành nên hình thái KTXH chiếm hữu nô lệ. Đặc trưng của hình thái này là đã thay thế chế độ công hữu (sở hữu chung) về từ liệu sản xuất sang chế độ tư hữu chủ nô, thay thế xã hội không có giai cấp thành xã hội có giai cấp đối kháng (chủ nô – nô lệ), thay thế chế độ tự quản thị tộc bằng trật tự có nhà nước của giai cấp chủ nô. Giai cấp chủ nô dùng bộ máy cai trị của mình bóc lột tàn nhẫn sức lao động của nô lệ, nô lệ trong xã hội này được coi như một công cụ lao động biết nói. Hình thái này cũng tạo ra kiểu nhà nước đầu tiên: Nhà nước chủ nô.

3/ Hình thái KTXH phong kiến


Giai cấp thống trị mới trong hình thái này là giai cấp quý tộc – địa chủ, giai cấp bị trị là nông nô. Phương pháp bóc lột sức lao động trong xã hội chiếm hữu nô lệ được thay thế bằng hình thức bóc lột địa tô – người nông dân được giao đất đai và canh tác trên thửa ruộng của mình, đến kỳ hạn nộp tô thuế cho địa chủ. So với hình thái chiếm hữu nô lệ, hình thức lao động trong thời kỳ phong kiến đã tiến bộ hơn nhiều, tuy phải nộp tô thuế nhưng nông dân vẫn có thể được giữ lại phải của cải dư thừa của mình. Đồng thời nhiều tầng lớp, giai cấp mới đã xuất hiện trong xã hội.

4/ Hình thái KTXH tư bản chủ nghĩa



Xuất hiện đầu tiên ở châu Âu, phôi thai và phát triển trong lòng xã hội phong kiến châu Âu và chính thức xác lập như một hình thái KTXH đầu tiên ở Anh và Hà Lan vào thế kỷ 17. Adam Smith (1723-1790) là người có đóng góp to lớn nhất xây dựng một hệ thống lý luận tương đối hoàn chỉnh về chủ nghĩa tư bản tự do hay tự do kinh tế. Những nét đặc trưng cơ bản của hình thái KTXH tư bản chủ nghĩa:
Quyền sở hữu tư nhân và quyền tự do kinh doanh được pháp luật bảo vệ và coi như quyền thiêng liêng của con người.
Cá nhân dùng sở hữu tư nhân để kinh doanh trong điều kiện thị trường tự do: mọi sự phân chia của cải đều thông qua quá trình mua bán của các thành phần tham gia vào quá trình kinh tế.
Gắn với nền sản xuất công nghiệp có năng suất lao động cao.
Bản chất sự “bóc lột” nằm ở giá trị thặng dư mà sức lao động tạo ra khi các nhà tư bản thuê lao động và sử dụng sức lao động.

5/ Hình thái KTXH cộng sản chủ nghĩa


Là hình thái phát triển cao nhất của xã hội, có quan hệ sản xuất dựa trên sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất, thích ứng với lực lượng sản xuất ngày càng phát triển, tạo thành cơ sở hạ tầng có trình độ cao hơn cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa tư bản, có kiến trúc thượng tầng tương ứng thực sự là của nhân dân với trình độ xã hội hóa ngày càng cao. Những đặc trưng cơ bản của hình thái KTXH này là:
Cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội là nền sản xuất công nghiệp hiện đại gắn liền với lực lượng sản xuất đã phát triển ở trình độ cao: năng suất lao động cao, tạo ra nhiều của cải vật chất đáp ứng nhu cầu vật chất và văn hóa của người dân.
Thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu: xóa bỏ những mâu thuẫn đối kháng trong xã hội, giúp gắn bó các thành viên trong xã hội với nhau vì lợi ích căn bản.
Chủ nghĩa xã hội tạo ra cách tổ chức lao động và kỷ luật lao động mới: phù hợp với địa vị làm chủ của người lao động và xóa bỏ tàn sư của tình trạng lao động bị tha hóa trong xã hội cũ.
Chủ nghĩa xã hội thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động: cơ sở cho công bằng xã hội.
Chủ nghĩa xã hội có nhà nước XHCN là nhà nước kiểu mới, nhà nước mang bản chất của giai cấp công nhân, mang bản chất nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc, thực hiện quyền lực và lợi ích của nhân dân. Nhà nước XHCN do Đảng cộng sản lãnh đạo. Thông qua nhà nước, Đảng lãnh đạo xã hội trên mọi mặt và nhân dân thực hiện quyền lực và lợi ích của mình trong mọi mặt xã hội.
Chủ nghĩa xã hội giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, thực hiện công bằng, bình đẳng, tiến bộ xã hội, tạo những điều kiện cơ bản để con người phát triển.