“Việt Nam
nên trở thành bếp ăn của thế giới” – Philip Kolter
Có một căn cứ đáng giá để đồng tình với quan điểm trên
của ngài Philip Kolter, đó là Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp. Từ trong
cách mạng, sau khi giành độc lập dân tộc, từ thời kỳ đổi mới cho tới thời điểm
này thì kinh tế nước ta vẫn chủ đạo là kinh tế nông nghiệp. Gần 90% dân số sống
ở khu vực nông thôn, (năm 2005) khoảng 60% lao động làm việc trong lĩnh vực
nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GDP vẫn ở mức
20-30%. Là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu nông sản ra thế giới. Thậm
chí, nền kinh tế nông nghiệp còn ảnh hưởng sâu sắc vào trong cả lối nhận thức,
lối tư duy truyền thống của người Việt – Tư duy nông nghiệp, tư duy tiểu nông.
Nhưng hàm ý của ngài Philip Kolter rõ ràng nhắm tới việc
xây dựng hình ảnh của một quốc gia, của dân tộc. Vấn đề này luôn là phức tạp –
mọi người ai cũng nghĩ thế, nên còn phải “bàn nhiều”! Bài viết này chỉ nhằm
phân tích một khía cạnh của nhận định trên: “bếp ăn của thế giới” trong mối
quan hệ với du lịch.
Một số quốc gia châu Á đã khắc họa được một hình ảnh
riêng về đất nước của họ. Trung Quốc là “công xưởng của thế giới”, Ấn Độ là
“văn phòng của thế giới”. Những hình ảnh gắn liền với sự nhộn nhịp, náo nhiệt của
kinh tế thị trường, nơi mọi người khắp nơi trên thế giới đến làm ăn, hợp tác. Vậy
“bếp ăn của thế giới” nghe có vẻ không được “kinh tế” cho lắm. Nghĩ tới nhà bếp
là nghĩ tới ăn uống, mà nhu cầu ăn uống cũng chỉ đơn giản gồm hai loại: nhu cầu
về những bữa ăn hàng ngày vì mục đích cơ bản là sinh tồn, nhu cầu thứ hai cao cấp
hơn – thưởng thức. Nếu Việt Nam được khắc họa là “bếp ăn của thế giới” thì mọi
người sẽ đến về mục đích gì, nhu cầu gì? Làm ăn? Tất nhiên là luôn có những mối
quan hệ hợp tác kinh tế với bất kỳ một chủ thể kinh tế nào, ngay cả đó là một
quốc gia, và mục đích này càng nhiều hơn khi Việt Nam đang tăng cường hợp tác
quốc tế. Nhưng điều này lại không liên quan lắm tới bếp núc!
Đến Việt Nam với mục đích định cư lâu dài để được thưởng
thức các món ăn Việt hàng ngày, hàng tháng! Có vẻ cũng không hợp lý lắm. Hợp lý
nhất là họ đến để được thưởng thức phong vị riêng có của những món ăn Việt. Tất
nhiên không đơn thuần là chỉ đi để thưởng thức, họ có thể sang làm ăn, hợp tác,
đi du lịch, thăm thân, …nhưng nhu cầu thưởng thức món ăn Việt sẽ là “điều không
thể bỏ qua” một khi họ đã đến Việt Nam.
Du lịch có thể coi như một đại sứ văn hóa vô hình quảng
bá hình ảnh đất nước tới du khách quốc tế. Vậy nếu Việt Nam muốn xây dựng hình ảnh
“bếp ăn của thế giới” thì việc quảng bá hình ảnh này tốt nhất nên gắn liền với
du lịch. Du lịch Việt Nam từ trước vẫn chủ đạo là du lịch văn hóa, tuy nhiên
văn hóa ẩm thực vẫn chưa thực sự được chú ý tới. Rõ ràng người làm du lịch đang
bỏ qua một giải pháp làm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Ẩm thực Việt đang
thiếu đi những giải pháp định vị và nỗ lực quảng bá cần thiết.
Những gợi ý về việc xây dựng hình ảnh Việt Nam – Bếp ăn của thế giới.
■ Tổ chức thu thập, khảo sát về món ăn đặc sắc ở mỗi
vùng miền từ đó đưa ra những tổng kết danh sách những món ăn the từng chủ để
khác nhau (món biển, món canh, món Huế, hoa quả vùng…)
■ Đăng cai tổ chức các cuộc thi, triển lãm ẩm thực khu
vực và quốc tế.
■ Đầu tư vào công đoạn chế biến nông sản, kỹ thuật sau
thu hoạch.
■ Thực hiện nghiêm túc điều kiện vệ sinh an toàn thực
phẩm, nâng cao nhận thức của người nuôi trồng nông sản và người chế biến nông sản
về an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe cộng đồng. Có chế tài xử phạt mạnh mẽ, đặc
biệt chú ý tới các cơ sở phục vụ khách du lịch.
■ Xây dựng bộ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc
gia.
■ Khuyến khích kinh tế nông nghiệp ở nông thôn.
■ Tăng cường hoạt động của cơ quan hải quan trong việc
giám sát, ngăn chặn những nông sản kém chất lượng nhập lậu từ các quốc gia khác
vào trong nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét