Tự chủ trong giáo dục Đại học - Góc nhìn theo quan điểm kinh tế thị trường.
Giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng nên được hiểu theo một quan điểm hiện đại và phù hợp hơn trong thời buổi kinh tế thị trường. Trước kia, đây là một lĩnh vực cũng được coi như phúc lợi xã hội và mọi chi phí gần như do Nhà nước chịu trách nhiệm. Điều đó đặc biệt phù hợp và rất cần thiết trong những thời điểm mà đất nước có chiến tranh, loạn lạc. Tuy nhiên, trong thời buổi mà cơ hội học tập không còn quá xa vời với phần lớn tuổi trẻ Việt Nam, và điểu quan trọng là tư duy về giáo dục cũng phải "hiện đại" và "thị trường" hơn cùng với xu thế CNH, HĐH đất nước. Giáo dục đại học nếu xét đưa vào các khối ngành chính của nền kinh tế quốc dân, chắc chắn sẽ thuộc vào nhóm ngành dịch vụ. Và nó cũng có khách hàng của mình, nhìn một cách rõ ràng nhất thì đó là các bạn trẻ trước ngưỡng cửa bước vào bậc đào tạo chuyên nghiệp, rộng hơn là các bậc phụ huynh, và nhu cầu nhân lực của xã hội. Các bạn trẻ đó, hay chính là những sinh viên sau này, sẽ là đối tưởng trực tiếp hưởng dịch vụ giáo dục, các bậc phụ huynh là những người đóng vai trò lớn trong việc định hướng và đưa ra những lựa chọn trường đại học cho con em mình (ở các nước phương Tây, vai trò của bố mẹ ít hơn, các bạn trẻ có quyền tự chủ hơn nhiều trong việc lựa chọn ngành nghề, trường mà mình muốn theo học), và nhu cầu xã hội có thể coi là một khách hàng gián tiếp, vô hình, tuy nhiên nó tác động rất lớn tới các trường đại học trong việc sẽ đào tạo cái gì? và đào tạo như thế nào? để những sinh viên tốt nghiệp có những năng lực, phẩm chất phù hợp với nhu cầu của xã hội. Như lời của GS Viện sỹ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng bộ giáo dục, "lợi ích của người học phải được đặt lên trên trước khi tính đến lợi ích của bất cứ cá nhân, hay tổ chức nào".
Tự chủ - tức là Nhà trường, cũng giống như một doanh nghiệp, sẽ tự lo lắng mọ vấn đề liên quan đến hoạt động của mình như công tác tuyển sinh, xây dựng khối ngành, chuyên ngành đào tạo, đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh, thu học phí, tuyển giảng viên, thiết kế chương trình đào tạo, lựa chọn giáo trình đào tạo, tự chịu trách nhiệm về tài chính, và Nhà trường đó sẽ hoạt động có lãi, có lỗ, là trường có uy tín được xã hội ghi nhận, đánh giá cao, hay là uy tín đào tạo thấp, chất lượng sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu xã hội, và trường đại học cũng sẽ "phá sản". Ai sẽ là người đánh giá chất lượng giáo dục của các trường? Chính là khách hàng, là các bạn sinh viên. Họ sẽ đánh giá liệu học phí mình bỏ ra để "mua dịch vụ giáo dục" có xứng đáng không, hay đang bị "mua đắt". Các phụ huynh vẫn là người đóng vai trò định hướng giúp các bạn trẻ đưa ra những lựa chọn trường cho mình, nhưng khi đó, họ có nhiều thông tin hơn về các trường, họ có những đánh giá đầy đủ hơn xem trường nào có chất lượng đào tạo tốt, trường nào không? Trường nào "đắt", trường nào "giá cả cạnh tranh", họ nhìn thấy con em mình sẽ như thế nào sau những năm tháng học tập đại học - một cách rõ ràng hơn.
Các trường Đại học sẽ làm gì khi được tự chủ? Họ phải cạnh tranh. Cạnh tranh để xây dựng hình ảnh, thương hiệu của trường. Định vị sản phẩm dịch vụ của mình mang lại lợi ích gì cho người học và lợi ích vượt trội là gì? Cạnh tranh về chất lượng giảng dạy, cạnh tranh trong cả các hoạt động hỗ trợ cung cấp dịch vụ (như thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học, căng tin, ký túc xá, nhà đa năng...) và cạnh tranh cả về "giá" của dịch vụ. Liệu có những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phi thị trường? Câu trả lời là có. Mọi người đều biết điều này khi có cạnh tranh xảy ra, nhưng trong giáo dục mọi người có vẻ như đang quá lo lắng việc chất lượng giáo dục không đảm bảo do cạnh tranh không lành mạnh gây ra có thể ảnh hưởng xấu tới sinh viên, thế hệ tương lai của đất nước, mà không nghĩ rằng chính thị trường, chính khách hàng sẽ là người sàng lọc những nhà trường như vậy, sinh viên lúc đó có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiếp tục theo học trường này hay chuyển sang một trường khác, với một môi trường đào tạo đại học tiến bộ, có lẽ họ cũng sẽ không phải bắt đầu lại từ đầu, đơn giản là họ trả tiền và mua dịch vụ.
Vậy vai trò của Nhà nước, mà trực tiếp ở đây là Bộ giáo dục sẽ là việc đảm bảo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, đánh giá và đưa ra những xếp hạng, phân loại về chất lượng giáo dục của các trường. Họ sẽ là người tạo ra "một sân chơi" mà "người chơi" chính là các trường đại học, đưa ra luật chơi để đảm bảo rằng người chơi tham gia sẽ "chơi đẹp".
Mr.GO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét