Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012


Love Rain – Kỷ niệm ngày mưa và tản mạn suy nghĩ về tình yêu Đẹp


Thời gian tôi và em yêu nhau cũng đã có nhiều những kỷ niệm đẹp, không chỉ có những ngày mưa. Tôi viết có lẽ vì lúc này, tôi ngồi đây, yên lặng, bên ngoài cửa sổ trời đang mưa tầm tã, và mặc dù em đang ở không quá xa tôi, mặc dù tôi vẫn được bên cạnh em cách đây không lâu, nhưng cũng đã làm tôi nhớ em nhiều đến nhường nào và gợi nhớ lại trong tôi những kỷ niệm hai đứa bên nhau dưới trời mưa như thế này.




Tối đó, trời cũng mưa xối xả… Có lẽ vì đã hơn một lần hẹn với em rằng hai đứa sẽ đi dạo Hồ Tây mà không thành nên tối đó tôi quyết tâm đưa em đi bằng được. Có thâm niên cắm rễ ở cái đất Thủ đô này khá nhiều năm học xa nhà nên tôi và cả em nữa cũng không còn xa lạ, không còn thích thú lắm với mấy điểm rong chơi ở Hà Nội. Có dẫn bạn bè nơi khác về thăm Thủ đô hay anh em dưới quê lên chơi thì còn dẫn đi Bảo tàng, Lăng Bác, Công viên, Vườn bách thảo…chứ không nhiều lựa chọn trong số đó còn phù hợp cho tôi và em nữa. Cũng không có nhiều thứ đẹp đẽ để ngắm ở Hồ Tây, và người ta đi Hồ Tây chắc cũng chẳng phải đi ngắm, quan trọng đối với tôi và em là thời gian được ở bên cạnh nhau, được riêng tư và cũng muốn thả mình vào với thiên nhiên, với gió và nước mênh mông.

Hai đứa đi xe máy được khoảng một nửa vòng hồ, thực ra là tôi cố đi thêm, cố đi với ý muốn được bên cạnh em nhiều hơn dù em đã nhắc tôi đi về sớm kẻo mưa dông kéo tới. Vòng hồ khá rộng, nên đi trên bờ hồ nhìn bầu trời tối mịt và sấm chớp đằng xa khá rõ, sấm thì càng lúc càng liên hồi, càng làm em thấy lo lắng hơn. Quay xe ngược lại chứ không đi tiếp nữa nhưng cũng chỉ kịp đi tới điểm bắt đầu đi vào hồ là mưa đã nặng hạt. Lúc đó em cũng không chắc là mình có mang áo mưa theo không, tôi thì vẫn tiếp tục lái xe vòng qua khu vực Lăng Chủ tịch. Đến đây thì mưa đã nặng hạt hơn và mau hơn, nhiều người dừng lại dưới tán cây để mặc áo mưa, và tôi cũng chỉ dừng lại khi em giục từ đằng sau lưng vì em nhớ ra hình như có mang theo một chiếc áo mưa đơn. Và đúng là một chiếc áo mưa đơn thật – loại mỏng và chỉ để dùng tạm, tôi nhường em mặc nhưng em đẩy cho tôi bảo tôi mặc vào và em ngồi sau sẽ núp vào người tôi để đỡ bị mưa ướt.

Nhưng rồi mưa vẫn tiếp tục đổ xuống nhiều hơn. Chỉ đi được qua hai nhịp đèn giao thông là tôi đã muốn dừng lại vì nghĩ em ngồi đằng sau chẳng thể núp mưa được nữa, mưa như gáo nước lớn đổ thẳng xuống đường phố vậy. Rẽ vào một ngõ nhỏ để tránh mưa, dừng xe dưới một ngôi nhà cao tầng có phần trên nho ra mặt ngõ và cởi bỏ chiếc áo mưa mỏng ra để khỏi làm ướt cả hai. Quay lại hỏi han rồi tôi chợt nhớ ra lời thách thức của em lúc trước: “Đố bạn vừa lái xe vừa quay lại thơm được mình?!”, thấy cơ hội đã đến, tôi quay lại khi em vừa kịp nói “Không, không” tôi đã thơm lên má đang ngượng ngùng của em. Em nói đúng, tôi đã may vì trời mưa to nên mới phải dừng xe lại và như vậy mới chiến thắng lời thách thức của em. Và em tự phạt mình bằng ...một nụ hôn! Tôi đã bất ngờ!!
Thêm một vài người qua lại và một hai chiếc xe cũng đang trú mưa gần đó khiến tôi và em cảm thấy không thoải mái. Khi trông thấy mưa có vẻ đã ngớt hạt, tôi đã tính liều đi xe một mạch về nhà, mặc kệ ướt thế nào đi nữa, thế là phóng xe ra khỏi ngõ. Nhưng oái oăm, trời lại mưa to hơn nữa, trắng xóa, và đường bắt đầu ngập nước. Em hỏi tôi nên dừng lại tìm chỗ trú mưa vì nếu đi tiếp sẽ không chỉ bị ướt mà còn rất nguy hiểm khi tôi còn nhìn chẳng rõ đường đi nữa. Tôi nghe em rẽ vào ngõ lần thứ hai, lần này đi sâu vào ngõ hơn và tìm được một cổng ngõ nhỏ có mái che khá lý tưởng để trú mưa. Dựng xe xuống và hai đứa bắt đầu nghĩ xem làm gì trong lúc chờ mưa tạnh. Em có ngay một ý tưởng khá là “bất khả thi”: mang sách ra ôn bài!! Vì trời thì tối và ánh đèn cũng không hắt vào tới chỗ hai đứa đứng được. Tôi định mở slide trên điện thoại rồi cùng ôn bài với em nhưng cũng chẳng được mấy phút. Và giải pháp trở về với sự hợp lý của nó: cùng nhau tâm sự. Tôi kéo em lại gần và ôm lấy, em không được tự nhiên những cũng bắt đầu tâm sự trong vòng tay của tôi.

Trời vẫn tiếp tục mưa cho tới khoảng tiếng rưỡi sau. Em giục tôi đi về khi trời đã tạnh hơn nhưng tôi thì vẫn muốn được bên em nhiều hơn. Hai đứa chấp nhận đi về khi mưa vẫn chưa ngừng hẳn. Em cũng ướt hết cả và tôi cũng vậy. Đưa em tới tận cửa cổng, em lấy cho tôi một chiếc áo mưa dầy hơn, tôi đã định không mặc vì lúc đó người cũng đã ướt sũng, nhưng vì lạnh nên vẫn miễn cưỡng mặc vào. Đúng là rất lạnh, càng lạnh hơn khi lái xe về một mình không còn em ngồi sau, và chiếc áo mưa đã giữ ấm cho tôi nhiều, cảm ơn em!

P/s: Lúc đưa em về gần tới nhà, có lẽ vì thương tôi ướt sũng mà sắp phải lái xe đi về một mình, em nói động viên: “Bạn mà là con gái thì cho bạn ở lại nhà mình” :”*

“Mưa xả stress”… Gọi như vậy vì cơn mưa đó xuất hiện vào cuối ngày thi kết thúc học kỳ hè của tôi và em, cũng ám chỉ rằng cơn mưa cũng té tát như cách mà người ta muốn xóa tan đi hết sự bực dọc, áp lực, stress trong cuộc sống vậy. Cũng mới chiều vừa qua thôi, tôi và em cùng kết thúc ca thi, em còn phải thi một ca nữa vào cuối ngày và tôi ở lại chờ. Ngồi ghế đá dưới sân trường dễ dàng nhận thấy một con mưa lớn đang kéo đến, mây đen kịt bầu trời và sấm bắt đầu dội liên hồi. Chờ gần hai tiếng đồng hồ, tôi thêm phần sốt ruột vì có vẻ như cơn mưa bắt đầu đổ xuống. Chăm chú vào điện thoại, cuối cùng thì em cũng bước ra khỏi phòng thi và gọi điện tìm tới chỗ tôi. 


Hai đứa cũng chỉ kịp ra tới nhà xe là mưa bắt đầu rơi. Chỉ em ra đứng chờ ở thư viện còn tôi thì vào nhà xe lấy xe. Ra tới chỗ trả vé, đang loay hoay tìm tiền lẻ để trả tiền vé xe thì cơn mưa như trút nước đổ xuống, trắng xóa cả lối vào nhà xe.   Mưa khủng khiếp đến nỗi chỉ mới hai ba phút trôi qua mà con đường vào trường đã ngập ũng nước vì không thoát kịp. Trả xong tiền xe và lấy lại một đống tiền lẻ, tôi bỗng có chút lưỡng lự muốn đứng lại chờ khi các cô trông xe tốt bụng khuyên tôi dựng xe chờ mưa ngớt rồi đi về kẻo cảm lạnh. Trời tiếp tục mưa to hơn. Tôi đã cân nhắc nhanh chóng và nghĩ mình không thể để em chờ một mình dưới trời mưa dông như vậy, cứ tưởng tượng như có mỗi một mình em bơ vơ trú mưa ở đó làm tôi không thể chùn chân lại được. 


Ngồi lên xe và phóng nhanh lại phía thư viện. Đoạn đường ngắn ngủi và tôi nhanh chóng nhìn thấy em. Em mỉm cười, tôi thầm biết lý do nụ cười đó và đáng lẽ nên gỡ nhanh mũ bảo hiểm ra rồi chạy vào trong nhưng tôi lại cố đủng đỉnh thêm chút dưới mưa ướt để em thấy thương tôi hơn! (...tình yêu mà!) Chiếc áo sẫm màu thấm nước mưa làm tôi trông như ướt sũng ra vậy. Tôi đi lại phía em, đặt mũ bảo hiểm lên cạnh tường, để cặp xuống và cởi luôn đôi dép sũng nước ra, ôm trêu em vào người mình đang ướt nhem. Cái khuôn mặt em nhăn nhó khó chịu một cách đáng yêu, tôi “buông tha” em và nhận một cú đấm vào bụng! 


Có vẻ thích thú với trò đấm đá, em tiếp tục đấm vào mặt và bảo tôi giả vờ quay theo chiều tay em - đẹp như trong phim hành động vậy. Tôi tỏ vẻ miễn cưỡng không thích làm em chóng chán và chuyển từ đấm giả sang đấm thật, em đấm “bùm bụp” và tất nhiên là chẳng làm tôi cảm thấy đau gì cả (chỉ có một quái chiêu của em làm tôi đau thật sự - trò của walking dead!). Em ngồi xuống và chìa tay mượn lấy điện thoại của tôi để xem ảnh và đọc tin nhắn! Lần này, dù nghỉ hè ở quê gần tháng mới ra nhưng tôi cũng không chụp được nhiều ảnh nên cũng không có nhiều ảnh để xem. Mưa vẫn cứ xối xả, tôi tính bày vài trò để trêu em nhưng nhận ra bối cảnh có vẻ không thuận tiện khi vẫn có người qua lại và cũng còn vài người cũng đang trú mưa gần đó. Tôi kể về buổi hẹn gặp anh bạn tối nay, em bắt đầu thái độ và trêu theo kiểu “gán ghép” người đó với tôi thành một cặp, gọi anh bạn tôi là “nàng của bạn”. Kiếm cớ bực bội, tôi cù ky và đuổi em lòng vòng qua mấy cái cột lớn. Em hưởng ứng thêm bằng trò trốn tìm , em bé nhỏ và tỏ ra nhanh nhẹn hơn tôi sau mấy chiếc cột đó. Hai đứa dựa  vào tường và mở điện thoại ra xem video, những cũng chỉ xem được một hai video âm nhạc và hài hước, mưa to làm hai đứa cứ phải dí sát tai vào loa ngoài một cách khổ sở.

Tôi rủ em đi ăn cơm và cùng đi hẹn gặp anh bạn mà cả hai đứa cũng đã quen biết. Trước đó em vẫn quyết liệt không muốn đi gặp anh bạn này, nhưng sau cuộc nói chuyện vui vẻ kết thúc, có lẽ em đã thầm cảm ơn tôi vì đã giúp em vượt qua cái tính ngại gặp gỡ, ngại xã giao của mình. Chia tay anh bạn, hai đứa lái xe đi lòng vòng để lắng nghe em rút ra những kinh nghiệm được từ anh bạn và nghe em kể về kế hoạch của ông anh trai lười biếng. Dừng lại bên dòng sông, tôi và em tâm sự nhiều hơn và được ôm em thật lâu trong cảm giác hạnh phúc ấm áp và che chở cho em. Tôi yêu em nhiều hơn và thầm cảm ơn em vì những gì em đã mang đến cho tôi trong cuộc sống này!

P/s: Tôi lại ngố nữa! Đưa em về gần tới nhà, em nói hãy để em xuống cách một đoạn rẽ vào nhà nhưng vì khá muộn rồi nên tôi muốn đưa em vào tận nơi hay ít ra là đứng thấy em mở cửa đi vào nhà rồi mới về. Tôi không nhận ra ẩn ý đằng sau đề nghị của em, món quà mà em sắp dành tặng cho tôi (vì nó tốt hơn được thể hiện một chỗ riêng tư và không gần những hàng xóm "tối lửa tắt đèn"). Em luôn muốn thể hiện điều đó theo cách đẹp nhất! :"*


P/s: Kịp trở em về tới nhà, tôi lái xe về và lại gặp một cơn mưa, tuy không lớn như cơn mưa chiều và tôi cũng đã mặc lên chiếc áo mưa mỏng em mới mua nhưng việc ướt nước mưa lúc đó khiến tôi thầm vui, có lẽ ông trời đang phạt tôi vì tội la cà quá khuya và tôi nên nghe lời em về sớm hơn ^^

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012


QUẢN TRỊ THỜI GIAN



Ý thức về vấn đề quản trị thời gian

- Tại sao cần phải quản trị thời gian? Câu trả lời đúng đắn và phù hợp với từng các nhân khác nhau mới là một gợi ý tốt về việc cần làm gì để quản lý thời gian. Không phải vì là doanh nhân nên mới cần tới kỹ năng này, và cũng không có phương pháp nào là tốt nhất dành cho mọi doanh nhân để quản trị tốt thời gian. Khi  có quá nhiều việc và bạn cảm thấy không chắc chắn là mình có thể làm tốt tất cả mọi thứ, bấy giờ mới nhận ra tầm quan trọng của việc quản trị thời gian. Hay khi quá áp lực với công việc và bạn đổ lỗi cho rằng mình chưa biết quản lý tốt thời gian nên mới xảy ra như vậy? Nếu câu trả lời là như vậy thì việc bạn trở lên thụ động trong vấn đề quản lý thời gian sẽ không thể đem lại kết quả lâu dài. Bạn nghe ngóng được đâu đó về cách quản lý thời gian hiệu quả và thử một vài giải pháp, nhưng sẽ không đủ kiên trì để thực hiện những thứ giáo điều máy móc và không thực tế với từng hoàn cảnh cá nhân như thế. Không có phương pháp quản lý thời gian tốt nhất dành cho mọi người. Mỗi người sẽ phải cá nhân hóa phương pháp quản trị thời gian phù hợp cho riêng mình.
- Quản trị hay quản lý theo cách hiểu thì đều có tính khoa học và tính nghệ thuật. Chính vì gắn với khái niệm đó mà nhiều khi việc quản lý thời gian được nhìn nhận mang tính học thuật và khô khan. Mà thực tế thì không nên quá nguyên tắc hay giáo điều với một vấn đề thiên về kỹ năng sống như việc sử dụng thời gian. Nếu nói quản trị thời gian thì nên nghĩ thiên về tính nghệ thuật của việc này hơn là cố áp đặt những nguyên tắc giáo điều. Nghệ thuật bởi kỹ năng này phải là sự sáng tạo của chính mỗi cá nhân dành cho họ. Chính vì thế mà thay vì gọi với cái tên như quản trị hay quản lý thời gian mà hãy gọi vào thẳng bản chất của vấn đề: Thói quen sử dụng thời gian hiệu quả, từ “thói quen” cũng đã nói lên được tính cá nhân trong việc lựa chọn cho mỗi người phương pháp sử dụng hiệu quả nhất thời gian của mình.
- Quản trị thời gian hiểu rộng ra cũng là quản trị cuộc đời, quản trị thời gian hiệu quả khi nó chính là quản trị cuộc đời, nghĩa là không phải chỉ là bạn làm việc tốt ngày hôm nay, bạn sử dụng tốt 24h của hôm nay, mà phải ý thức được rằng những điều đó đang đưa tới cái đích cuối cùng trên con đường mà bạn đã chọn. Hãy nghĩ tới những giá trị mà bạn muốn vươn tới và cụ thể hóa nó bằng những công việc mà bạn tin tưởng sẽ cho bạn những kỹ năng thích hợp.

Một số định nghĩa mới mẻ liên quan tới vấn đề sử dụng thời gian hiệu quả

- “Khoảng trắng” – Tác giả Jim Collins gọi đó là sự tiên quyết cho những tư suy sáng tạo và mới mẻ. Đó chính thời gian ông không có lịch biểu làm việc vì vậy ông có thể thả lỏng đầu óc, giống như việc một cái bình cũ được đổ đầy rượu mới. Nó không đơn giản là những giây phút nghỉ ngơi mà là khoảng thời gian đầu óc được tự do suy nghĩ về những điều mới mẻ, theo cách đầy cảm hứng. Jim Collins còn dự định sử dụng 100 ngày trong năm tới trong “khoảng trắng”.
- “Thời gian không tạo thêm giá trị - non value-added time” – khi chúng ta quá mải mê và bận dộn với cả núi công việc, dự từ cuộc họp này tới cuộc họp khác và dự lại những cuộc họp tương tự vào tháng sau hoặc năm sau, bạn quen với sự gấp gáp đó và nghĩ rằng thời gian biểu tốt nhất nên như thế. Khi đó, ý thức về sự sáng tạo và đổi mới trở lên khan hiếm, chính vì thế không có giá trị mới nào được tạo ra.

Sử dụng thời gian như thế nào là hiệu quả?

Không có một hướng dẫn nào là đầy đủ và thích hợp nhất với từng cá nhân, xây dựng thói quen sử dụng thời gian hiệu quả phải xuất phát từ chính sự tự ý thức của mỗi người. Quan niệm về việc sử dụng thời gian như thế nào là hiệu quả chỉ là những gợi ý để nhận ra bạn có đang sử dụng tốt thời gian của mình hay không và nên điều chỉnh ở chỗ nào:
- Nếu có thể chia cuộc sống vào những khối khác nhau, bạn dành tỷ lệ thời gian cho mỗi khối là bao nhiêu? Jim Collins chia cuộc sống của mình thành 3 khối: 50% thời gian sáng tạo, 30% thời gian giảng dạy và 20% thời gian làm các việc khác ("những việc tình cờ, bất ngờ nhưng cần phải làm"). Điều này sẽ giúp bạn biết bạn đang thực sự quan tâm vào điều gì, ưu tiên cho điều gì và cũng nhắc nhở bạn cần nhanh chóng xử lý những việc không mấy quan trọng để không lấn sang thời gian dành cho những việc quan trọng hơn.
- Luôn dành thời gian cho sáng tạo, đó là lúc bạn thăng hoa và tạo ra giá trị mới.
- Thời điểm nào bạn làm việc tốt hơn – hãy dành cho những công việc quan trọng cần sự tập trung cao. Ưu tiên thời gian cho những công việc cần làm gấp và giải quyết các công việc vun vặt bất cứ khi nào có thể. Là một tác giả của sách bán chạy nhất, Jim Collins cần tập trung cho công việc viết lách của mình, ông sắp xếp: "Tôi dành thời gian từ 8 giờ sáng đến trưa để suy nghĩ, đọc và viết". Khi đó ông ngắt tất cả các thiết bị điện tử, ngắt kết nối mạng để có được tư duy tập trung nhất.
- Luôn cho mình được lựa chọn, bạn không nhất thiết phải làm tất cả, bạn không cần  phải gặp mặt tất cả khách hàng, không cần lắng nghe mọi cuộc điện thoại nếu tốt hơn là bạn gọi lại vào thời điểm thích hợp, không cần phải trả lời tất cả email ngay lập tức, hãy cho mình lựa chọn tốt nhất.
- Không nhất thiết phải xem lại tất cả công việc, nhưng vào một thời điểm không căng thẳng lắm hãy kiểm tra và tổng kết lại, đó như việc nhắc lại vấn đề xảy ra lần thứ hai để giúp bạn ghi nhớ tốt hơn và giải quyết công việc triệt để hơn.
- Không đánh cắp thời gian của chính bạn. Bạn có thể làm việc quá giờ nhưng phải luôn ý thức được tác hại của nó để không biến nó thành thói quen. Hàng ngày, luôn dành thời gian để chơi thể thao và thư giãn.
- Cố gắng kết thúc công việc, không để công việc dở dang.
- Hãy luôn gọn gàng, Gọn gàng, ngăn nắp trong cuộc sống thì có thể bành trướng và sáng tạo trong công việc” - Gustave Flaubert, tiểu thuyết gia người Pháp từng nói.



NGUYỄN VĂN TIẾN, 24-07-2012

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012


QUY LUẬT CUNG CẦU HÀNG HÓA TRÊN THỊ TRƯỜNG

Xã hội phải tìm ra cách nào đó để ra quyết định sản xuất cái gì , sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai. Nền kinh tế hiện đại tin tưởng mạnh mẽ vào thị trường và giá cả để phân phối các nguồn lực vào những mục đích khác nhau. Sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa cầu (hành vi của người mua) và cung (hành vi của người bán) xác định sản lượng hàng hóa được sản xuất ra và mức giá để mua và bán hàng hóa đó.
Flowchart: Process: Không nên nhầm lẫn: Tại điểm cân bằng lượng cầu và lượng cung bằng nhau, chứ không phải là cung bằng cầu. Đó chỉ là một điểm sản lượng tại một mức giá nhất định trên cả đường cầu hay đường cung, khái niệm cung và cầu không bao giờ là một mức sản lượng cụ thểQuy luật cung cầu cho rằng thông qua sự điều chỉnh của thị trường, sẽ có một mức giá cân bằng (còn gọi là mức giá thị trường) và một lượng giao dịch cân bằng (lượng cung cấp bằng lượng nhu cầu) sẽ được xác định. Trạng thái cân bằng đó nên được hiểu là trạng thái “cân bằng động”, tức là giá cả và sản lượng trên thị trường biến động liên tục, giá cả và sản lượng không bao giờ chỉ gặp nhau ở điểm cân bằng rồi yên vị tại đó, điểm cân bằng như chỉ ra một đích đến hợp lý nhất cho xu hướng biến đổi của cả giá cả và sản lượng.
Điều gì đem lại sự cân bằng? Có phải thị trường tự đạt trạng thái cân bằng? Ta xem xét thị trường cung cầu sôcôla dưới đây:

Cầu và cung sôcôla
Giá
(₤/ thanh)
Lượng cầu
(thanh)
Lượng cung
(thanh)
0,00
200
0
0,10
160
0
0,20
120
40
0,30
80
80
0,40
40
120
0,50
0
160



Untitled.pngTrạng thái cân bằng được xác lập tại mức giá 0.30₤/thanh và sản lượng bằng 80 thanh. Giả sử ban đầu mức giá là 0.50₤, cao hơn mức giá cân bằng. Những người bán cung cấp 160 thanh nhưng không ai muốn mua tại mức giá đó → Dư thừa. Người bán giảm giá xuống 0.40₤ để bán số hàng tồn kho. Việc giảm giá xuống 0.40₤ có hai ảnh hưởng: tăng lượng cầu lên 40 thanh và giảm sản lượng người bán muốn cung cấp xuống 120 thanh. Cả hai ảnh hưởng này đều làm giảm dư cung. Giá tiếp tục giảm cho đến khi mức giá đạt 0.30₤ và dư cung biến mất.
Khi mức giá thấp hơn 0.30₤ thì diễn ra quá trình ngược lại. Tại mức giá 0.20₤ lượng cầu là 120 thanh nhưng lượng cung chỉ có 40 thanh. Người bán không có hàng để bán và đặt mức giá cao hơn. Việc khuyến khích tăng giá tục diễn ra cho đến khi đạt tới mức giá cân bằng, dư cầu biến mất và thị trường cân bằng.

Đường cầu diễn tả mối quan hệ giữa giá cả và lượng cầu khi những yếu tố khác không đổi. Vậy những yếu tố khác là gì?
ĐẰNG SAU ĐƯỜNG CẦU
Những yếu tố khác liên quan tới đường cầu được nhóm lại thành 3 loại: giá cả hàng hóa liên quan, thu nhập của người tiêu dùng và thị hiếu hay sự ưa thích hơn của người tiêu dùng.
→ Giá của một hàng hóa tăng làm tăng cầu cho hàng hóa thay thế nó và làm giảm cầu cho hàng hóa bổ sung cho nó.
→ Cầu đối với hàng hóa thông thường tăng khi thu nhập tăng. Cầu đối với hàng hóa thứ cấp giảm khi thu nhập tăng.
Double Bracket: Sự dịch chuyển của đường cầu: có sự phân biệt giữa sự vận động dọc theo đường cầu và sự dịch chuyển của bản thân đường cầu. Trong đó, giá cả gây ra sự vận động dọc đường cầu còn “những yếu tố khác” làm dịch chuyển đường cầu.
Sự dịch chuyển đường cầu khi đó sẽ làm thay đổi trạng thái cân bằng ban đầu
→ Thị hiếu người tiêu dùng được hình thành bởi sự thuận tiện, thói quen hay thái độ xã hội, thị hiếu thay đổi làm cầu về hàng hóa thay đổi.


ĐẰNG SAU ĐƯỜNG CUNG
Tương tự, ta có những yếu tố khác ảnh hưởng làm dịch chuyển đường cung, những yếu tố đó được nhóm vào 3 loại là: công nghệ phù hợp với nhà sản xuất, chi phí các yếu tố đầu vào (lao động, máy móc, nhiên liệu, nguyên vật liệu) và quy định của chính phủ. Mỗi một đường cung xác định được vẽ ứng với một công nghệ nhất định, chi phí đầu vào nhất định và chưa có thay đổi trong quy định của chính phủ.
→ Công nghệ cao hơn làm dịch chuyển đường cung sang phải. Nhà sản xuất muốn cung cấp nhiều hơn tại mỗi mức giá.
→ Chi phí đầu vào thấp hơn khiến các hãng muốn sản xuất nhiều hơn tại mỗi mức giá, làm dịch chuyển đường cung sang phải. Mức giá đầu vào cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của việc sản xuất và dịch chuyển đường cung sang trái.
→ Những quy định bất lợi của chính phủ (quy định an toàn nghiêm ngặt, sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường…) sẽ làm giảm cung và làm dịch chuyển đường cung sang trái. Những chính sách ưu tiên sản xuất của chính phủ (gia hạn thời gian nộp thuế, lãi suất, thuế suất ưu đãi, …), ngược lại, sẽ làm tăng cung và dịch chuyển đường cung sang phải.

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Quy luật giá trị - C.Marx
Giá trị hàng hóa được xác định như thế nào? Cơ sở để trao đổi giá trị của hàng hóa trên thị trường là gì? Tác động của quy luật giá trị tới nền sản xuất hàng hóa?

Nội dung của Quy luật giá trị cho biết sản xuất và trao đổi hàng hóa phải dựa trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết, hay chính là thời gian lao động xã hội cần thiết (thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra một loại hàng hóa nào đó trong điều kiện sản xuất bình thường của xã hội với trang thiết bị trung bình, một trình độ thành thạo trung bình, và một cường độ sản xuất trung bình tại một thời điểm của xã hội). Việc xác định điều kiện sản xuất bình thường hay sản xuất ở một mức độ trung bình của xã hội cũng mang tính tương đối, có thể đó là điều kiện sản xuất của người cung ứng lớn nhất lượng sản phẩm đó. Hoặc được tính sau (chứ không phải xác định được trước đó) bằng cách lấy trung bình thời gian lao động cá biệt của tất cả những người cung ứng sản phẩm đó. Thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất một sản phẩm cũng thay đổi theo thời gian, do đó mà giá trị của sản phẩm cũng thay đổi, nó có thể trở lên cao cấp hơn hoặc cũng có thể bị thay thế và trở lên lỗi thời.

Đồ thị trên cho thấy:
- Thứ nhất: Giá trị là cơ sở để xác định giá cả, và giá cả (hay giá trị trao đổi) là biển hiện ra bên ngoài của giá trị. Sự vận động của quy luật giá trị thông qua sự vận động của giá cả hàng hóa. Giá trị hàng hóa càng cao thì giá cả càng cao.
- Thứ hai: Giá cả hàng hóa trao đổi trên thị trường phụ thuộc vào sự thương lượng giữa người mua – người bán trên cơ sở thời gian lao động xã hội cần thiết tạo ra sản phẩm đó. Trong khi đó giá trị thường do người bán xác định trên cơ sở thời gian lao động cá biệt. Giá cả bằng giá trị khi trao đổi được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá. Tuy nhiên, hàng hóa không chỉ phụ thuộc vào giá trị mà còn phụ thuộc vào các yếu tố như: cạnh tranh, cung cầu, sức mua của đồng tiền nên giá cả giao động quanh giá trị. Các yếu tố đó khiến cho quy luật ngang giá không còn đúng trong trao đổi hàng hóa trên thị trường, thực tế, giá cả thị trường luôn biến đổi lên xuống quanh giá trị hàng hóa đó. Sự vận động của giá cả thị trường xung quanh trục giá trị của nó chính là cơ chế tác động của quy luật giá trị.

P/s: Một khái niệm cần chú ý nữa là Giá trị sử dụng: Giá trị sử dụng của một sản phẩm lao động là những tính chất có ích, công dụng nhằm thỏa mãn một nhu cầu sản xuất hay như cầu tiêu dùng nào đó. Người sản xuất tạo ra sản phẩm bằng thời gian lao động cá biệt, nhưng người bán và người mua lại đàm phán với nhau bằng giá trị sản phẩm của sản phẩm, và giá cả hay giá trị trao đổi chính là quyết định cuối cùng để người bán bán được sản phẩm và người mua có được sản phẩm. Có nghĩa là luôn có “khoảng cách” giữa giá trị - giá trị sử dụng – giá cả, nhìn từ phía người sản xuất, để bán được hàng và bán có lãi, họ không những phải giảm thời gian lao động cá biệt của mình xuống mà còn phải tự nhận thức được những giá trị sử dụng của sản phẩm làm ra là gì? Quá trình sản xuất có đang tạo ra đúng những giá trị sử dụng đó không hay gây lãng phí, rườm rà? Hơn nữa phải khiến cho người mua, người sử dụng nhận thức hết được những giá trị đó và trả mức giá xứng đáng với giá trị sử dụng của sản phẩm.

Tác động của quy luật giá trị tới nền sản xuất hàng hóa trên ba khía cạnh:                            
- Điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa: Thông qua giá cả, người/ngành sản xuất tốt sẽ thu được lãi nhiều, thu hút người khác sản xuất vào ngành đó, thu hút người lao động và tư liệu sản xuất. Người/ ngành làm ăn thua lỗ sẽ phải thu hẹp sản xuất và nhường nguồn lực sang các ngành sản xuất tốt hơn.
- Kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, tăng năng suất Giảm thời gian lao động cá biệt Thu lợi nhuận cao.
- Thực hiện sự lựa chọn tự nhiên và phân hóa người sản xuất hàng hóa Người sản xuất tốt sẽ thuê thêm lao động, máy móc, mở rộng kinh doanh và trở thành các ông chủ. Người làm ăn thua lỗ sẽ phải thu hẹp sản xuất, phá sản và trở lên thấp kém trong xã hội.


Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

I’M “Mr.Mindset”
Tư duy đơn giản là cách suy nghĩ của một cá nhân trước một vấn đề xảy ra để đưa ra cách giải quyết. Tư duy có được nhờ vào quá trình học hỏi, tiếp thu, tự trải nghiệm, tự tổng kết của bản thân. Một người biết tư duy và có lối tư duy riêng sẽ chủ động khi một tình huống, một vấn đề nào đó xảy ra. Do đó, cần thiết phải tổng kết lại và tập tư duy theo một cách thức nhất định để có được sự chủ động trong suy nghĩ, tránh đối phó theo phản xạ, bị cảm tính chi phối hay tư duy theo lối mòn (người ta nghĩ thế nào mình nghĩ thế ấy, lối cư xử chung của xã hội – “mọi người”).

Bản đồ tư duy – Mindmap

Cách thức này thường thực hành tốt với tư duy trên giấy, hoặc trên bảng. Có thể giúp tư duy một vấn đề, thảo luận nhóm hoặc trình bày vấn đề trước một tập thể nào đó. Nguyên tắc áp dụng phương pháp tư duy này là: Đặt vấn đề trọng tâm, vấn đề cốt lõi ở vị trí trung tâm một trang giấy, sau đó triển khai dần các lý lẽ, các thành phần liên quan từ trung tâm ra các phía: từ vấn đề chính được chia ra thành các vấn đề quan trọng, các vấn đề quan trọng tiếp tục được chia ra các lí lẽ nhỏ hơn. Càng xa vấn đề trung tâm thì các lý lẽ càng phải cụ thể, chi tiết nhất có thể. Tư duy này giúp phát huy tốt đa các ý tưởng để giải quyết vấn đề, nhìn nhận một cách tự do, phóng thoáng, không bó hẹp, không trực tiếp phản biện bất kỳ ý kiến nào đưa ra. Do đó mà giúp cho vấn đề cần giải quyết được xem xét một cách đầy đủ.
Thêm nữa, với hình thức vẽ (phối hợp thêm cả vẽ màu, vẽ hình ảnh) theo lối liên kết các ý chính, nhánh lớn với các ý nhỏ hơn, nhánh nhỏ sẽ giúp cho việc trình bày cũng như nhớ vấn đề một cách tốt hơn.
Một khái niệm quan trọng trong việc sử dụng bản đồ từ duy là từ khóa - Keyword , Keyword giúp trình bày vấn đề một cách ngắn gọn nhưng vẫn hàm chưa đủ ý, đủ nghĩa. Các từ khóa sẽ luôn được sử dụng trong mindmap ngay cả khi muốn ghi chú (Take-note) lại một số ý để làm rõ nghĩa hơn cho một luận điểm quan trọng nào đó.

Tư duy bản chất vấn đề - Essence of Problem.

Chính bởi lối tư duy theo lối mòn, bắt chước, sao chép một cách thụ động, máy móc khiến cho việc nhìn nhận vấn đề thiếu sâu sắc, không thấy được bản chất của vấn đề là gì. Ví dụ, khi nói về việc tổ chức kênh phân phối cho sản phẩm như thế nào, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới việc xem xét để lựa chọn kênh trực tiếp hay gián tiếp, đại lý hay chợ truyền thống, mật độ kênh, chính sách kênh như thế nào. Đó là những việc chắc chắn phải làm nhưng để làm đúng thì người xây dựng kênh phải hiểu được bản chất của việc xây dựng kênh: chính là việc Tìm Ra Cách Đưa Sản Phẩm Của Mình Tới Khách Hàng Một Cách Hiệu Quả Nhất. Hiểu được bản chất đó sẽ nhắc nhở người xây dựng kênh những vấn đề quan trọng trước khi quyết định kênh trực tiếp hay gián tiếp, như: hiểu các đặc tính sản phẩm, sản phẩm đáp ứng những nhu cầu nào của người tiêu dùng, khách hàng mục tiêu, những tiêu chí để đánh giá một kênh hiệu quả, kế hoạch dài hạn… Hay bản chất của việc đưa ra mức giá cả cho sản phẩm: Khách hàng bỏ ra những Chi Phí nào để Sử Dụng sản phẩm này, chứ không phải là khách hàng Trả Bao Nhiêu Tiền để Có Được Sản Phẩm, vấn đề giá cả không bao giờ chỉ là tiền.
Việc xem xét bản chất của vấn đề cũng như việc tìm hiểu lợi ích của các bên trong đàm phán là gì, chứ không phải đấu đá với những lập trường trái ngược của mỗi bên. Ví như câu chuyện chia cam, hai chị em tranh cãi về việc chia quả cam như thế nào cho cả hai, bà mẹ đã quyết định bổ đôi quả cam và mỗi người một nửa, vấn đề thực sự đã được giải quyết chưa? Thực ra, cô em cần cả phần lõi quả cam để vắt lấy nước sinh tố, trong khi cô chị chỉ cần lấy vỏ quả cam cho bài tập kỹ thuật ở lớp của mình, nếu bản chất vấn đề được nhìn nhận đúng đắn hơn chắc chắn cả hai chị em sẽ đều đạt được lợi ích của mình.
Tư duy bản chất là tư duy theo chiều sâu, không chỉ trả lời cho câu hỏi “Tại sao vấn đề xảy ra?” mà còn trả lời cho câu hỏi mang hướng giải quyết vấn đề là “Bản chất của vấn đề là gì?”, từ đó luận ra các căn cứ, lý lẽ giải quyết vấn đề.
Bản chất của vấn đề thường không hiện một cách rõ ràng, vấn đề chỉ được giải quyết triệt để và hiệu quả khi tư duy đúng bản chất của vấn đề là gì.

Tư duy theo các thí dụ, sự kiện thực tế

Có một câu chuyện về cách nói thí dụ: Huệ Tử (người thời Chiến quốc, bạn với Trang Tử) vì hay nói thí dụ mà bị người ta không ưa nên bảo với vua nước Lương rằng: “Huệ Tử nói việc gì cũng hay thí dụ. Nếu nhà vua không cho thí dụ, thì Huệ Tử chắc không nói gì được nữa”. Hôm sau vua đến thăm Huệ Tử, bảo rằng: “Xin tiên sinh nói gì cứ nói thẳng đừng thí dụ nữa”. Huệ Tử nói: “Nay có một người ở đây không biết nỏ là cái gì, mới hỏi hình trạng cái nỏ thế nào. Nếu tôi đáp rằng: hình trạng cái nỏ giống cái nỏ, thì người ấy có hiểu được không?”. Vua nói: “Hiểu làm sao được?”. Thế nên tôi bảo người ấy: Hình trạng cái nỏ giống như cái cung có cán, có lẫy, thì người ấy có biết được không? Ôi! Khi nói với ai là đem cái người ta đã biết làm thí dụ với cái người ta chưa biết, để khiến người ta biết. Nay nhà vua bảo tôi đừng thí dụ nữa thì tôi không nói sao được.
Các thí dụ, sự kiện đã xảy ra là minh chứng rõ ràng nhất cho bất cứ một vấn đề lý thuyết nào. Việc tư duy và trình bày theo các thí dụ sẽ có tính thuyết phục cao hơn, giúp người nghe và chính bản thân người trình bày cũng hiểu vấn đề một cách thực tế nhất.
Việc biết đưa các thí dụ vào tư duy và trình bày vấn đề đòi hỏi cá nhân phải thường xuyên tiếp nhận thông tin, không chỉ là những thông tin liên quan tới chuyên môn mà còn là thông tin đa chiều ở các lĩnh vực khác nhau. Điều này cũng gợi ý rằng, bản thân thông tin tiếp nhận cũng đưa ra những vấn đề cần được tư duy, được hiểu và người tiếp nhận thông tin cũng có những chính kiến riêng đánh giá thông tin đó.

Tư duy phản biện

Nhìn nhận vấn đề bằng con mắt của riêng mình trên cơ sở những hiểu biết nền tảng. Vấn đề khi đó được đưa ra phân tích một cách cặn cẽ từng khía cạnh, được giả thiết đặt vào nhiều tình huống khác nhau để kiểm chứng sự đúng đắn. Trong một môi trường luôn vận động, một yếu tổ ảnh hưởng không đáng kể vào thời điểm này có thể trở lên rất đáng giá vào thời điểm khác, thậm chí làm thay đổi hẳn cả lối tư duy, thay đổi quy luật. Vấn đề khi được phản biện nhiều khi mở ra nhiều hướng giải quyết sáng tạo, mới mẻ.
Tư duy phản biện là tư duy hiện đại và tiến bộ. Người phản biện cần có những kiến thức nền tảng vững vàng và có hiểu biết kỹ lưỡng về vấn đề được phản biện. Và thực hiện phản biện trên cơ sở xây dựng, hợp tác, tìm ra hướng giải quyết mới, tránh đấu đá, bảo thủ trong quan điểm.