Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

I’M “Mr.Mindset”
Tư duy đơn giản là cách suy nghĩ của một cá nhân trước một vấn đề xảy ra để đưa ra cách giải quyết. Tư duy có được nhờ vào quá trình học hỏi, tiếp thu, tự trải nghiệm, tự tổng kết của bản thân. Một người biết tư duy và có lối tư duy riêng sẽ chủ động khi một tình huống, một vấn đề nào đó xảy ra. Do đó, cần thiết phải tổng kết lại và tập tư duy theo một cách thức nhất định để có được sự chủ động trong suy nghĩ, tránh đối phó theo phản xạ, bị cảm tính chi phối hay tư duy theo lối mòn (người ta nghĩ thế nào mình nghĩ thế ấy, lối cư xử chung của xã hội – “mọi người”).

Bản đồ tư duy – Mindmap

Cách thức này thường thực hành tốt với tư duy trên giấy, hoặc trên bảng. Có thể giúp tư duy một vấn đề, thảo luận nhóm hoặc trình bày vấn đề trước một tập thể nào đó. Nguyên tắc áp dụng phương pháp tư duy này là: Đặt vấn đề trọng tâm, vấn đề cốt lõi ở vị trí trung tâm một trang giấy, sau đó triển khai dần các lý lẽ, các thành phần liên quan từ trung tâm ra các phía: từ vấn đề chính được chia ra thành các vấn đề quan trọng, các vấn đề quan trọng tiếp tục được chia ra các lí lẽ nhỏ hơn. Càng xa vấn đề trung tâm thì các lý lẽ càng phải cụ thể, chi tiết nhất có thể. Tư duy này giúp phát huy tốt đa các ý tưởng để giải quyết vấn đề, nhìn nhận một cách tự do, phóng thoáng, không bó hẹp, không trực tiếp phản biện bất kỳ ý kiến nào đưa ra. Do đó mà giúp cho vấn đề cần giải quyết được xem xét một cách đầy đủ.
Thêm nữa, với hình thức vẽ (phối hợp thêm cả vẽ màu, vẽ hình ảnh) theo lối liên kết các ý chính, nhánh lớn với các ý nhỏ hơn, nhánh nhỏ sẽ giúp cho việc trình bày cũng như nhớ vấn đề một cách tốt hơn.
Một khái niệm quan trọng trong việc sử dụng bản đồ từ duy là từ khóa - Keyword , Keyword giúp trình bày vấn đề một cách ngắn gọn nhưng vẫn hàm chưa đủ ý, đủ nghĩa. Các từ khóa sẽ luôn được sử dụng trong mindmap ngay cả khi muốn ghi chú (Take-note) lại một số ý để làm rõ nghĩa hơn cho một luận điểm quan trọng nào đó.

Tư duy bản chất vấn đề - Essence of Problem.

Chính bởi lối tư duy theo lối mòn, bắt chước, sao chép một cách thụ động, máy móc khiến cho việc nhìn nhận vấn đề thiếu sâu sắc, không thấy được bản chất của vấn đề là gì. Ví dụ, khi nói về việc tổ chức kênh phân phối cho sản phẩm như thế nào, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới việc xem xét để lựa chọn kênh trực tiếp hay gián tiếp, đại lý hay chợ truyền thống, mật độ kênh, chính sách kênh như thế nào. Đó là những việc chắc chắn phải làm nhưng để làm đúng thì người xây dựng kênh phải hiểu được bản chất của việc xây dựng kênh: chính là việc Tìm Ra Cách Đưa Sản Phẩm Của Mình Tới Khách Hàng Một Cách Hiệu Quả Nhất. Hiểu được bản chất đó sẽ nhắc nhở người xây dựng kênh những vấn đề quan trọng trước khi quyết định kênh trực tiếp hay gián tiếp, như: hiểu các đặc tính sản phẩm, sản phẩm đáp ứng những nhu cầu nào của người tiêu dùng, khách hàng mục tiêu, những tiêu chí để đánh giá một kênh hiệu quả, kế hoạch dài hạn… Hay bản chất của việc đưa ra mức giá cả cho sản phẩm: Khách hàng bỏ ra những Chi Phí nào để Sử Dụng sản phẩm này, chứ không phải là khách hàng Trả Bao Nhiêu Tiền để Có Được Sản Phẩm, vấn đề giá cả không bao giờ chỉ là tiền.
Việc xem xét bản chất của vấn đề cũng như việc tìm hiểu lợi ích của các bên trong đàm phán là gì, chứ không phải đấu đá với những lập trường trái ngược của mỗi bên. Ví như câu chuyện chia cam, hai chị em tranh cãi về việc chia quả cam như thế nào cho cả hai, bà mẹ đã quyết định bổ đôi quả cam và mỗi người một nửa, vấn đề thực sự đã được giải quyết chưa? Thực ra, cô em cần cả phần lõi quả cam để vắt lấy nước sinh tố, trong khi cô chị chỉ cần lấy vỏ quả cam cho bài tập kỹ thuật ở lớp của mình, nếu bản chất vấn đề được nhìn nhận đúng đắn hơn chắc chắn cả hai chị em sẽ đều đạt được lợi ích của mình.
Tư duy bản chất là tư duy theo chiều sâu, không chỉ trả lời cho câu hỏi “Tại sao vấn đề xảy ra?” mà còn trả lời cho câu hỏi mang hướng giải quyết vấn đề là “Bản chất của vấn đề là gì?”, từ đó luận ra các căn cứ, lý lẽ giải quyết vấn đề.
Bản chất của vấn đề thường không hiện một cách rõ ràng, vấn đề chỉ được giải quyết triệt để và hiệu quả khi tư duy đúng bản chất của vấn đề là gì.

Tư duy theo các thí dụ, sự kiện thực tế

Có một câu chuyện về cách nói thí dụ: Huệ Tử (người thời Chiến quốc, bạn với Trang Tử) vì hay nói thí dụ mà bị người ta không ưa nên bảo với vua nước Lương rằng: “Huệ Tử nói việc gì cũng hay thí dụ. Nếu nhà vua không cho thí dụ, thì Huệ Tử chắc không nói gì được nữa”. Hôm sau vua đến thăm Huệ Tử, bảo rằng: “Xin tiên sinh nói gì cứ nói thẳng đừng thí dụ nữa”. Huệ Tử nói: “Nay có một người ở đây không biết nỏ là cái gì, mới hỏi hình trạng cái nỏ thế nào. Nếu tôi đáp rằng: hình trạng cái nỏ giống cái nỏ, thì người ấy có hiểu được không?”. Vua nói: “Hiểu làm sao được?”. Thế nên tôi bảo người ấy: Hình trạng cái nỏ giống như cái cung có cán, có lẫy, thì người ấy có biết được không? Ôi! Khi nói với ai là đem cái người ta đã biết làm thí dụ với cái người ta chưa biết, để khiến người ta biết. Nay nhà vua bảo tôi đừng thí dụ nữa thì tôi không nói sao được.
Các thí dụ, sự kiện đã xảy ra là minh chứng rõ ràng nhất cho bất cứ một vấn đề lý thuyết nào. Việc tư duy và trình bày theo các thí dụ sẽ có tính thuyết phục cao hơn, giúp người nghe và chính bản thân người trình bày cũng hiểu vấn đề một cách thực tế nhất.
Việc biết đưa các thí dụ vào tư duy và trình bày vấn đề đòi hỏi cá nhân phải thường xuyên tiếp nhận thông tin, không chỉ là những thông tin liên quan tới chuyên môn mà còn là thông tin đa chiều ở các lĩnh vực khác nhau. Điều này cũng gợi ý rằng, bản thân thông tin tiếp nhận cũng đưa ra những vấn đề cần được tư duy, được hiểu và người tiếp nhận thông tin cũng có những chính kiến riêng đánh giá thông tin đó.

Tư duy phản biện

Nhìn nhận vấn đề bằng con mắt của riêng mình trên cơ sở những hiểu biết nền tảng. Vấn đề khi đó được đưa ra phân tích một cách cặn cẽ từng khía cạnh, được giả thiết đặt vào nhiều tình huống khác nhau để kiểm chứng sự đúng đắn. Trong một môi trường luôn vận động, một yếu tổ ảnh hưởng không đáng kể vào thời điểm này có thể trở lên rất đáng giá vào thời điểm khác, thậm chí làm thay đổi hẳn cả lối tư duy, thay đổi quy luật. Vấn đề khi được phản biện nhiều khi mở ra nhiều hướng giải quyết sáng tạo, mới mẻ.
Tư duy phản biện là tư duy hiện đại và tiến bộ. Người phản biện cần có những kiến thức nền tảng vững vàng và có hiểu biết kỹ lưỡng về vấn đề được phản biện. Và thực hiện phản biện trên cơ sở xây dựng, hợp tác, tìm ra hướng giải quyết mới, tránh đấu đá, bảo thủ trong quan điểm. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét